• CÔNG TY CỔ PHẦN KIỂM ĐỊNH VÀ ĐÀO TẠO AN TOÀN LAO ĐỘNG MIỀN TRUNG

  • Hơn 25 năm kinh nghiệm
  1. Trang chủ
  2. »
  3. Tin nội bộ
  4. »
  5. Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐCSVN) – Cùng với việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, TP. Đà Nẵng cũng kịp thời triển khai hàng loạt gói hỗ trợ thiết thực hướng tới người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Đà Nẵng tổ chức đối thoại doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
phục hồi, góp phần phát triển kinh tế – xã hội thành phố. (Ảnh: TC)

Đà Nẵng là địa phương có số lượng lớn người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2021. Hầu hết doanh nghiệp cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…

Bên cạnh đó, thời gian qua, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “ai ở đâu thì ở yên đó”, điều này đã mang lại hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh TP. Đà Nẵng đang nới lỏng dần các hoạt động, các hội doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị chính quyền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng cho biết, ngày 15/9 vừa qua, đơn vị đã gửi 6 nội dung đề xuất, kiến nghị tới chính quyền TP. Đà Nẵng để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên. Các nội dung Hiệp hội đề xuất gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3 – 6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6 – 12 tháng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12 – 18 tháng; được miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng. Hiệp hội cũng đề nghị thành phố có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất…

Ông Hà Đức Hùng nhận định, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng việc triển khai tại các ngân hàng còn chưa kịp thời, nhiều thủ tục còn phức tạp, khó khăn cần tháo gỡ. Ông Hùng đề nghị, bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương thì nhiều chính sách về thuế, tiền thuê đất… trong thẩm quyền quyết định của TP. Đà Nẵng, thành phố xem xét giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Có thể thấy, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ người lao động được thành phố ban hành cũng góp phần giảm khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu hơn nữa, liên quan trực tiếp đến tài chính của doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố cho biết, các hội viên của Hiệp hội mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có yêu cầu về giảm lãi suất cho các khoản vay cũ cũng như các khoản vay mới với một con số nhất định và đồng nhất; không để biên độ hoặc phân loại khách hàng dễ dẫn đến cơ chế không rõ ràng, khó kiểm soát, làm khó doanh nghiệp. Hầu hết các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề tài chính – ngân hàng, trong đó kiến nghị nhiều nhất liên quan đến các ngân hàng thương mại là giảm lãi suất cho vay, kế tiếp là có gói vay mới với lãi suất tốt và áp dụng đồng bộ.

Ông Châu Quang Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Liên Chiểu, Giám đốc Công ty TNHH An Thạnh cho hay, bên cạnh các chính sách tài khóa, các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số…

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp thời gian qua, UBND thành phố đã tổng hợp và đề xuất với Trung ương về chính sách giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, các loại phí Công đoàn, giảm giá điện. Về phía địa phương, dự kiến sẽ có các chính sách về vay vốn lưu động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố…

Ngoài ra, nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần phát triển kinh tế – xã hội thành phố trong thời gian tới, ngày 24/9, Thành ủy và UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hội nghị có sự tham gia của gần 150 khách mời trực tiếp và 500 – 1.000 đại biểu tham dự qua hệ thống trực tuyến.

Bắt đầu từ ngày 28/7, thành phố thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ. Cao điểm từ ngày 16/8 đến 16/9, thành phố thực hiện theo Nghị quyết số 08-NQ/TU, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30-7-2021, Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021, Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 25-8-2021, Quyết định số 2905/QĐ-BYT ngày 3-9-2021. Trong 20 ngày, toàn thành phố tạm dừng hầu hết mọi hoạt động, thực hiện triệt để biện pháp “ai ở đâu thì ở đó”; đồng thời áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% nhằm duy trì sản xuất tối thiểu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động của doanh nghiệp.

Việc áp dụng các quy định về thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống COVID-19, nhất là trong giai đoạn tháng 8 đã làm một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 của thành phố ước đạt 15.050 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao. Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND thành phố giao (giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 40,7%).

Dịch bệnh còn kéo dài song thành phố sẽ chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và người dân để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa, bảo đảm phòng, chống dịch; từng bước phục hồi nền kinh tế thích ứng với bối cảnh COVID-19 còn tiếp diễn. Đây sẽ là cơ sở để thành phố nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; đồng thời đề xuất các cơ quan bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép.

Khánh An